NHỮNG CÁCH GHÉP VENEER KHÁC NHAU
Ở kì trước, chúng ta đã tìm hiều vener là gì, và những ứng dụng, cũng như lợi ích của việc phủ veneer lên ván gỗ, ván MDF trong quá trình sản xuất ngành gỗ nói riêng và trong việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta nói chung.
1. Hiểu về kỹ thuật dán veneer
Như chúng ta đã biết, để có thể dán veneer lên bề mặt ván gỗ, chúng ta cần lạng veneer sau đó dán trực tiếp đối với veneer 0.3mm hoặc may veneer đối với veneer có độ dày 0.45 mm trở lên. Vậy để đi sâu hơn chúng ta sẽ cùng nhau hiểu sơ về quy trình dán veneer nhé.
A. Quy trình dán đối với loại mỏng, lạng miếng hoặc lạng tròn:
* Veneer sau khi cắt vuông vắn được tráng keo bằng thủ công hoặc máy tráng keo sau đó dán ghép từng miếng vào bề mặt ván MDF
(Có một số loại veneer được lạng tròn cho ra nguyên tấm 1220 x 2440 như veneer okoume, veneer xoan, veneer mahogany, veneer sapele, veneer poplar...)
* Đưa ván MDF đã dán veneer vào máy ép nhiệt (nhiệt độ, thời gian ép và lực nén thay đổi tùy theo từng loại ván và loại veneer khác nhau)
* Chỉnh lý (trong quá trình ép sẽ có những phần veneer bị lỗi sẽ được chỉnh lý cho bề mặt phẳng đẹp)
* Chà bóng: bước này giúp bề mặt veneer láng mịn có thể sơn trực tiếp luôn.
B. Quy trình dán đối với veneer dày (0.45mm trở lên)
* Veneer được may lại thành tấm theo quy cách mong muốn, sau đó tráng keo và đưa lên bề mặt ván MDF
(Loại này thường được thị trường ưa chuộng đối với veneer sồi, veneer ash, veneer cao su, veneer walnut, veneer thông, veneer còng)
* Đưa ván vào ép nhiệt
* Chỉnh lý (thường đối với các loại veneer dày thì quá trình này gần như tốn rất ít thời gian bởi veneer dày khó bị rách hay xộc xệch do dán tay như ở phương pháp A)
* Chà nhám: Mục đích là làm mờ những phần chỉ may veneer ở bước đầu chúng ta đã làm và giúp cho bề mặt veneer nhẵn, đẹp.
Như vậy chúng ta có thể thấy đối với những dạng veneer lạng tròn thì vân của veneer là hoàn toàn không thể thay đổi do đã định hình sẵn thành quy cách 1 tấm ván 1220 x 2440mm.
Còn đối với veneer lạng cắt từng miếng chúng ta có thể ghép nối để tạo thành các loại vân khác nhau.
2. Những cách ghép vân veneer
Trên thế giới đã xuất hiện rất rất nhiều cách ghép vân veneer tuy nhiên chúng ta có một vài loại chung như sau:
2.1. Veneer ghép miếng đồng chiều (Slip match)
Các miếng veneer khi lạng cắt theo hình thức slice sẽ cho vân giống nhau, bản rộng tương đối đồng đều, cho ta bề mặt trùng lặp nhìn rất bắt mắt.
2.2. Veneer ghép miếng đảo chiều (Reserved slip match)
Việc đảo chiều lại vân bông của tấm veneer khiến cho chúng ta cảm giác rất lạ mắt, có gì đó nghịch nghịch nhưng lại không mang tính đơn điệu, trùng lặp
2.3. Veneer lạng tròn (Rotary)
Loại veneer này như đã nói trên là 100% theo hình thù tự nhiên, quy cách bằng tấm ván MDF thông thường nên rất tiện lợi cho dán và chỉnh lý
2.4. Veneer ghép đối (book matched veneer)
Đọc tên tiếng anh nhắc tới cuốn sách chúng ta có thể hình dung ra ngay phương pháp ghép này, các vân veneer được ghép đối nhau, đường gân ở giữa tạo nên cảm giác như chúng ta đang xem một cuốn sách đầy tinh tế và nghệ thuật vậy.
2.5. Ghép ngẫu nhiên (random)
Hiện nay sau một quá trình dài phát triển, những loại veneer theo hình dáng như trên đã gần như khiến cho khách hàng cần một chút gì đó sáng tạo hơn, một chút gì đó độc đáo, phá cách hơn, nên ghép ngẫu nhiên được chấp nhận như một hình thức ghép tân tiến, mang lại vẻ tự nhiên theo cách ngẫu nhiên của thiên nhiên mang lại.
2.6. Ghép nối tiếp (Continuous End Match)
Việc ghép dựa trên việc sắp xếp các vân veneer nối tiếp nhau nhằm nối dài tấm veneer cho phù hợp kích thước phần ghép. Các miếng ghép được ghép đều nhau theo cách đối xứng hoặc đồng chiều.
2.7. Ghép chạy ngang
Các miếng veneer được ghép đối xứng sau đó chạy ngang, các bông veneer được liên kết với nhau từ tấm này sang tấm kia tạo hoa văn rất bắt mắt, tạo ảo giác như những hoa văn cổ truyền.
Như vậy, bằng những kỹ thuật tương đối đơn giản nhưng với đầu óc sáng tạo của con người chúng ta ngày càng phát triển hơn những dòng sản phẩm mới mang tính thẩm mỹ cao, giá thành rẻ, và bảo vệ môi trường. Qua đây có thể thấy veneer thực sự là một giải pháp tuyệt vời cho ngành công nghiệp gỗ của chúng ta.
Nguồn: Vinamdf.com
- So sánh MDF E1 và CARB P2 (31.05.2017)
- Phân biệt HDF và MDF lõi xanh (MDF HMR) (16.08.2016)
- Đôi nét về MDF E1 (31.05.2017)
- Tổng hợp tên tiếng Anh các loại gỗ (08.03.2017)
- MDF E2, MDF CARB P2 (24.11.2016)
- Veneer là gì? (13.09.2016)
- Tên tiếng anh các loại gỗ (08.09.2016)
- So sánh CARB P2 và E2 (16.08.2016)
- Quy trình sản xuất MDF (21.07.2016)